Đường lên Hoàng Su Phì hiểm trở, nắng thu vàng như mật trên nương
Mảnh đất của tình và của cảnh
Tháng 10 lại đến và sắp đi qua, mỗi năm đến độ này, mảnh đất Hoàng Su Phì lại được những phượt thủ nô nức kéo nhau về đây săn mùa vàng. Người ta đã đến, có hẹn với nơi đây rồi quay lại, người ta chưa từng đến nhưng bị hớp hồn ngay từ giây phút đầu chạm mắt, nhất định phải đến nơi đây ngắm mùa lúc chín dát vàng cả non cao cho thỏa lòng ước nguyện. Thu về, đông sắp sang, vậy mà vẻ đẹp hùng vĩ nơi núi cao hòa quyện cùng khung cảnh yên bình của những ruộng bậc thang vẫn khiến người ta mê mẩn đến lạ kì.
Đường nên Hoàng Su Phì hiểm trở mà đầy chất thơ
Còn nếu bạn là kẻ ưa mạo hiểm và muốn trải nghiệm với những cung đường, thì việc vi vu trên những chiếc xe máy dường như thú vị hơn cả. Bạn có thể di chuyển theo cung đường: Hà Nội – TP Hà Giang – Bắc Quang – Tân Quang – Hoàng Su Phì – Lào Cai – Hà Nội. Nhưng đường đi gian nan lắm nhé, đó là những tuyến đường quanh co với bán kính cong nhỏ, độ dốc lớn, khiến những tay lái lụa nhiều khi cũng nao lòng.
Chiêm ngưỡng khoảnh khắc tuyệt đẹp của núi rừng
Thu đang về với những điều ngọt ngào nơi Hoàng Su Phì
Ruộng bậc thang ở Hoàng Su Phì được tạo nên không phải bởi ai khác, mà chính nhờ đôi bàn tay cùng với sự cần cù của người dân lao động vùng cao, đã biến mảnh đất khô cằn này, thành những cánh đồng bao la kéo dài đến tận chân trời, quanh co xếp lớp tạo thành bậc thang tựa như có thể chạm đến chín tầng mây. Phượt thủ một vòng đi hết cánh cung săn lúa chín nơi Y Tý, nơi Mường Hum, nơi Tú Lệ, để rồi gom trọn cả mùa thu rực rỡ ấy tại Hoàng Su Phì. Và rồi, người ta đã có một mùa thu thật đẹp, thật trong veo mà cũng ấn tượng, hệt như nắng mùa thu dịu nhẹ vấn vương.
Hoàng Su Phì sang thu – mùa chơi tới bến
Khi những nương lúa trổ vàng trên thửa ruộng thang cũng là lúc những cây trà shan tuyết cổ thụ trăm năm tuổi vào mùa đơm hoa, du khách phương xa lại về Hoàng Su Phì trải nghiệm mùa chơi… tới bến.
+ Nhảy lửa
Mặt trời khuất núi, đống củi to được đám trai làng sắp xếp ngay góc sân rộng, lên lửa, ngay cạnh đó là vị thầy cúng uy nghiêm, đứng trước mâm cúng đơn sơ với gà, chén rượu, nén hương, túi gạo nhỏ, và xấp tiền giấy được làm từ rơm rạ, bắt đầu khấn vái, xin thần linh giá ngự.
Đống lửa cháy tàn củi, chỉ còn than, văn cúng kết thúc cũng là lúc âm thanh từ mõ tre, chiêng, xập xõa, hòa cùng nhịp trống mang âm điệu dồn dập, tăng dần.
Đám trai làng tham gia nhảy lửa ngồi trên bộ ghế ngựa đặt cạnh mâm cúng, chân tay đu đưa, mắt nhắm tịt. Trống càng dồn dập, cơ thể những người nhảy lửa như bị ma nhập, rung lắc dữ dội, và vụt một người mang bước nhảy giống động tác muông thú tự nhiên phóng ra khoảng sân, thi triển vài đường nhào lộn rồi bất thần lao vào đống lửa, tung tóe than hồng lên không trung.
+ Hái trà
Ở Hoàng Su Phì, quanh co núi đồi, đâu cũng thấy trà shan tuyết cổ thụ, ngay cả trên nương lúa cũng hiện hữu cây trà.
Gốc trà cổ thụ lâu năm nhất của Hoàng Su Phì hiện ở Nậm Piên, khoa học xác định hơn 600 năm tuổi, được tôn vinh là cây di sản. Phải qua một chuyến hành xác, với đủ các phương tiện, từ bốn bánh, qua hai bánh, đến cuốc bộ mới có cửa chạm mặt gốc trà tổ thân to ba người ôm ở Nậm Piên.
No Comments